GIỚI THIỆU TRƯỜNG
Lịch sử hình thành phát triển
Trường Khiếm thính Lâm Đồng - Trải qua 31 năm hình thành và phát triển, Trường Khiếm thính Lâm Đồng đã có những thay đổi lớn cả về lượng và chất trong việc giáo dục trẻ khiếm thính. Bên cạnh việc dạy văn hóa, nhà trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho học sinh.
Trường Khiếm thính Lâm Đồng là nơi nuôi dưỡng và phát triển thể chất, phục hồi chức năng nghe nói, góp phần củng cố ngôn ngữ đọc viết để các em giao tiếp, hòa nhập cộng đồng. Hiện, trường có 13 lớp với trên 90 học sinh khiếm thính được dẫn dắt bởi 34 cán bộ, giáo viên có tâm huyết.
Song song với việc dạy văn hóa cho các em, trường còn chú trọng đến công tác đào tạo nghề. Trường đã có những hướng đi mới giúp các em tiếp cận nhiều nghề khác nhau như đan, thêu, may, chăm sóc sức khỏe… Trường còn kết hợp với các nhà tài trợ đầu tư nhiều trang thiết bị giúp các em làm quen để học nghề. Ban lãnh đạo nhà trường luôn tìm hiểu, nắm bắt tình hình để chọn ra các loại hình đào tạo nghề phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh khiếm thính.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, trường đã tuyển dụng nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn cao, trong đó yêu cầu phải có một số giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm kinh tế kỹ thuật, cho các em làm quen với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại. Thầy Nguyễn Hữu Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Sắp tới trường sẽ kết hợp với Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt (Lâm Đồng) cấp chứng chỉ nghề cho các em. Khi ra trường, học sinh sẽ được giới thiệu đến làm việc tại các cơ sở sản xuất tư nhân".
Trong quá trình đào tạo, Trường Khiếm thính Lâm Đồng gặp không ít khó khăn. Tổng diện tích của trường chưa đến 1.300m2, bao gồm khu nội trú cho học sinh, khu dạy nghề, phòng học, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên… Trường đã đề xuất lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng để được đầu tư thêm cơ sở và khu dạy nghề nhưng kiến nghị vẫn chưa được giải quyết. Các ban ngành chức năng liên quan cần quan tâm hơn đến Trường Khiếm thính Lâm Đồng để những em gặp hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập, tìm được việc làm, xóa đi những mặc cảm tự tin hòa nhập cộng đồng.