DIỄN VĂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Kính thưa Quý vị Đại biểu. Kính thưa các Anh, Chị em đồng nghiệp. Cha ông đã từng nói : “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy”
     Từ ngàn xưa dù chưa có ngày Nhà giáo thì tinh thần tôn sư trọng đạo đã là một nét truyền thống, một nét văn hóa của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm thì đạo lý ấy vẫn được trân trọng và giữ gìn.
      Hôm nay, gặp lại các thầy cô, các  anh chị em đồng nghiệp nhất là những anh chị đã nghỉ hưu nhân ngày nhà giáo Việt Nam đã thấy trên gương mặt của Thầy Cô, Anh Chị chúng ta nhiều vết nhăn hơn, những sợi tóc bạc nhiều hơn, nhưng trong ánh mắt vẫn tinh anh, niềm vui vẫn rộn rã và điều đó là niềm vui, là hạnh phúc của tất cả chúng ta.
      Xin được chúc mừng sức khỏe các Thầy Cô, Anh Chị, xin chúc sức khỏe các đồng nghiệp, xin chúc chúng ta mãi hạnh phúc và trọn vẹn niềm vui với cái đạo làm Thầy của chúng ta.



Nhà giáo Nguyễn Thị Nhàn - Hiệu trưởng nhà trường đọc Diễn văn nhân ngày 20/11

       Kính thưa các Thầy Cô.
       Kính thưa các Anh Chị.
       Hôm nay chúng ta về đây để kỷ niệm ngày của chúng ta, ngày của những người thầy, người cô, ngày 20/11.
       Ngày 20/11 năm nay, trong niềm vui và hạnh phúc, tôi  xin nói về trách nhiệm của trường  chúng ta. Tôi biết mỗi người trong chúng ta nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, chúng ta thấm cái nỗi đau của mình, nhất là khi xã hội đang đặt cho chúng  ta một trách nhiệm lớn về việc nuôi và dạy một thế hệ trẻ mà thế hệ trẻ này lại không được tròn vẹn về thể lực  - các em bị khiếm khuyết môt phần , một sự thiệt thòi lớn cho các em và cũng là một phần trách nhiệm nặng nề cho mỗi chúng ta – những người thầy của các trẻ em khuyết tật.
     Trong những suy tư về nghề nghiệp và trách nhiệm nhân ngày nhà giáo 20/11 năm 2014    này, chúng ta càng thấy mình trăn trở hơn về nhiệm vụ của Trường  Khiếm thính Lâm Đồng, nơi chúng ta sống, nơi chúng ta đóng góp, nơi chúng ta giảng dạy, nơi chúng ta  nuôi dưỡng chăm sóc các em, nơi chúng ta thực hiện cái thiên chức người Thầy cao quý của chúng ta. Nơi chứa cả cuộc sống và ước mơ của các trẻ em khuyết tật.
      Theo tôi, chính từ ngôi trường này -  một nơi cao cả, thiêng liêng. Mỗi ngày khi chúng ta bước qua ngưỡng của cổng trường , ta bước chân vào lớp học, ta bước lên bục giảng, bước vào căn bếp , vào khu nội trú của các em trước bao nhiêu ánh mắt trong sáng, tin yêu và chờ đợi của các em, hình như ta thấy rõ tương lai của các em, số phận của các em đang gắn liền với nhiệm vụ của mỗi chúng ta. Từ đó, theo tôi ngôi trường này đã trở thành ngôi nhà thân yêu với tất cả tình cảm mà các em dành cho mỗi chúng ta.
      Từ những tình cảm thân thương đó, chúng ta mang đến cho các em những tri thức rất đơn giản, rất gần gũi với cuộc sống và giáo dục cho các em những phẩm chất tốt đẹp nhất của một con người. Đôi khi cái tri thức đó không có trong sách vở, mà cái tri thức đó nồng nàn với cuộc sống rất đỗi đời thường của một trường học còn muôn vàn khó khăn trong thực hiện chương trình, trong đổi mới phương pháp giảng dạy và cả trong những bữa ăn thường nhật của các em.
      Tôi nghĩ chính ở nơi này -  sẽ giúp các em rèn luyện để trở thành những học sinh ngoan, nhận thức một cách rõ ràng trách nhiệm trước bản thân, gia đình, xã hội. Chúng ta đang cùng gia đình và xã hội giúp các em, những trẻ em khuyết tật không tự ti vì khuyết tật của mình để vươn lên hòa nhập cùng với các bạn trang lứa.
      Chúng ta hãy truyền cho các em niềm đam mê của tìm tòi, khám phá của việc học. Việc học sẽ không có cái tận cùng và cả cuộc đời chúng ta, của các em sẽ cùng nhau  đi mãi trong sự tìm tòi, khám phá đầy hấp lực đó.
      Chúng ta có quyền tự hào vì hôm nay cùng ngồi ở đây với chúng ta – một người học trò ngoan, giỏi và là đồng nghiệp của chúng ta sẽ cùng chúng ta gánh vác nhiệm vụ cao cả nuôi và dạy những trẻ em khuyết tật. Xin được giới thiệu thầy Võ Duy Quang – vừa là học sinh cũ vừa là thầy giáo mới của trường trong năm học này.
      Kính thưa các Thầy, Cô,
      Kính thưa các Anh, Chị,
     Trải qua bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu vật vã của đời thường, những người thầy , người cô của trường Khiếm thính Lâm Đồng vẫn thầm lặng làm người đưa đò dẫn các em đến bến bờ mơ ước. Chúng ta có thể tìm thấy những người thầy, người cô bình dị, gần gũi đó chính là các cô bảo mẫu, các chị cấp dưỡng . Các cô đã âm thầm tiếp lửa chung tay để các em có những bữa ăn ngon, những giấc ngủ nồng và giữa cuộc sống của người giữ ngôi nhà giáo dục - các em cảm thấy ấm lòng.
     Xin cho tôi được chân thành cảm ơn và biểu dương các thầy cô đã và đang cống hiến hết mình cho việc chăm sóc và dạy dỗ các em học sinh khuyết tật.. Chúng ta đang cùng nhau thực hiện cái nhiệm vụ của cao cả mà tôi đã nói trên đây một cách trong sáng và hiệu quả. Chúng ta có thể tự tin và tự hào nói như thế.
      Xin cám ơn tất cả các thầy cô, anh chị. Xin cám ơn tất cả chúng ta. Một lần nữa xin chúc mừng các Thầy Cô, Anh Chị.
      Xin chúc tất cả chúng ta hạnh phúc!

Tác giả bài viết: Theo trường Khiếm thính Lâm Đồng